Hot Reads

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Câu chuyện về TT tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Tích

Thiệt hại do phải dừng chăn nuôi từ cuối tháng 3-2013 đến nay đang khiến các chủ trang trại (TT) chăn nuôi lợn tại xã Lại Thượng lâm tình cảnh khó khăn. Thế nhưng hai cột bê tông do người dân thôn Hoàng Xá (Lại Thượng) dựng lên ở đầu đường vào gây cản trở hoạt động của các trang trại, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nhìn lại vụ việc
Tin tức liên quan :

Bức xúc vì các chủ TT tự ý xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Tích gây ô nhiễm môi trường, tăng quy mô chăn nuôi vượt quá đăng ký trong cam kết bảo vệ môi trường (BVMT) song chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng lại không kịp thời xử lý, nên cuối tháng 3-2013, người dân thôn Hoàng Xá, xã Lại Thượng đã chôn hai cột bê tông ở đầu đường vào các TT, không cho các chủ TT hoạt động. Về vấn đề này, Báo Hànộimới số ra ngày 13-8-2013, có bài "Tình trạng người dân "cấm vận" TT chăn nuôi ở xã Lại Thượng (Thạch Thất): Bao giờ có hồi kết?". Tuy nhiên, đến nay việc "cấm vận" vẫn chưa được xử lý, gây thiệt hại về kinh tế đối với các chủ TT (hai TT của các ông Nguyễn Đình Thuận, Trịnh Văn Kim và Đinh Xuân Thủy, đã được UBND huyện Thạch Thất giao đất để đầu tư xây dựng TT chăn nuôi lợn kết hợp trồng cây ăn quả tại xứ đồng Xung, thôn Phú Thụ, xã Lại Thượng với thời hạn 30 năm.
Hai cột bê tông chưa được tháo dỡ.
Hai cột bê tông chưa được tháo dỡ.

Thực tế tại khu vực đồng Xung, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, ngay ở đầu đường vào khu TT, hai cột bê tông vẫn chưa được dỡ bỏ khiến ô tô không thể ra, vào được. Phía trong cột bê tông (bên trái đường) là một đoạn rãnh dài khoảng 50m, rộng 35-40cm mới được người dân đào cũng với mục đích "cấm vận". Ngay từ cổng vào TT, cỏ cây mọc um tùm, chuồng trại hoang vắng. Theo thông tin các chủ TT cung cấp, do phải dừng hoạt động quá lâu nên một số trang thiết bị, máy móc (tủ lạnh, máy bơm, hệ thống làm mát và quạt gió xử lý mùi, hệ thống van nước...) phục vụ chăn nuôi bị hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, toàn bộ mái lợp ở các chuồng trại bị gỉ sét, không thể sử dụng được nữa; nền chuồng bị mối xông nặng. Đưa chúng tôi đến khu vực công trình vừa xây dựng theo các nội dung cam kết trong đề án BVMT đã được Sở TN&MT TP Hà Nội xác nhận, ông Trịnh Văn Kim xót xa: "Sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã thực hiện nghiêm các quy định về BVMT, đầu tư xây dựng, hoàn thiện các công trình theo đề án chi tiết, thế nhưng đến nay phải "đắp chiếu" để đấy vì không thể đưa lợn vào chăn nuôi".

Được biết, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất và Sở TN&MT thành phố Hà Nội, từ cuối năm 2013, các ông Nguyễn Đình Thuận và ông Trịnh Văn Kim đã lập đề án BVMT chi tiết và được Sở TN&MT phê duyệt. Theo đánh giá của UBND huyện Thạch Thất, các chủ trang trại đã thực hiện nghiêm túc các nội dung đã cam kết trong đề án BVMT chi tiết được Sở TN&MT phê duyệt như đầu tư xây dựng bổ sung hệ thống xử lý nước thải, chất thải mới, bảo đảm công suất cũng như chất lượng xử lý. Do vậy, các chủ trang trại đã đủ điều kiện để chăn nuôi trở lại.

Cần xử lý dứt điểm

Sau khi xảy ra vụ việc, UBND huyện Thạch Thất, UBND xã Lại Thượng và các cơ quan chức năng của huyện tập trung giải quyết. UBND huyện Thạch Thất nhiều lần đề nghị Đảng ủy xã Lại Thượng, Chi bộ thôn Hoàng Xá chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động để người dân chủ động tháo dỡ hai cột bê tông với mốc thời gian cụ thể; thành lập tổ công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT tại khu vực trang trại hộ ông Thuận và ông Kim. Đặc biệt, để bảo đảm sản xuất cho các chủ TT tại khu đồng Xung cũng như bảo đảm giao thông, ngày 29-7-2014, UBND huyện Thạch Thất tiếp tục ban hành Công văn số 817/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Lại Thượng chỉ đạo hai thôn Hoàng Xá và Phú Thụ tổ chức họp dân, thông báo việc thực hiện các biện pháp BVMT, các nội dung cam kết trong đề án BVMT của các chủ TT; tiếp tục vận động nhân dân thôn Hoàng Xá tháo dỡ ngay hai cột bê tông do người dân dựng ở đầu đường vào các TT (xong trước ngày 5-8-2014). Mặc dù vậy, 2 cột bê tông vẫn chưa được tháo dỡ (?).

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Ngọc Long, Phó Chủ tịch UBND xã Lại Thượng cho biết, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã kiên trì vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật, song hiện hầu hết người dân và ngay cả cán bộ, đảng viên thôn Hoàng Xá vẫn kiên quyết phản đối việc các TT chăn nuôi trở lại mà đề nghị chuyển đổi sang mô hình sản xuất khác không gây ô nhiễm môi trường và không tự giác tháo dỡ hai cột bê tông. "Hiện tại, chính quyền xã Lại Thượng không thể giải quyết dứt điểm vụ việc nếu không có sự hỗ trợ của UBND huyện". - Ông Long cho biết thêm.

Nguyện vọng được sống trong môi trường trong lành của người dân là hoàn toàn chính đáng. Trong khi đó, các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Thạch Thất lại chỉ rõ: "Ông Nguyễn Đình Thuận và ông Trịnh Văn Kim đã thực hiện nghiêm túc nội dung cam kết trong đề án BVMT đã được Sở TN&MT phê duyệt". Điều này cho thấy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của huyện Thạch Thất chưa quyết liệt xử lý nên đã để vụ việc kéo dài hoặc phải chăng vẫn còn bất cập, tồn tại nào đó?

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

nghiên cứu lắp đặt hệ thống xử lý rác tại Hà Nội

Cùng với xử lý nước thải công nghiệp, xử lý nước thải sinh hoạt ... Xử lý rác thải rắn cũng là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng trong bảo vệ môi trường, và cuộc sống của con người. Hiện việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang thực hiện bằng công nghệ sinh học, đốt và chôn lấp; trong đó, công nghệ chôn lấp chiếm khoảng 82% lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom được. Tại Hà Nội được sự quan tâm đầu tư của thành phố và nhờ phương thức xã hội hóa công tác xử lý rác (XLR), các công nghệ đốt và công nghệ sinh học đã xử lý được 600-700 tấn rác mỗi ngày và dự kiến đến năm 2015 sẽ có khoảng 1.300 tấn rác mỗi ngày được xử lý bằng công nghệ cao (chiếm 25% tổng lượng rác thu gom mỗi ngày). Khối lượng còn lại được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh.

Khánh thành hà máy xử lý chất thải Sơn TÂY


Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cắt băng khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cắt băng khánh thành và gắn biển công trình kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.



Từ mục tiêu giảm chôn lấp rác…

Từ năm 2008, Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ XLR bằng công nghệ mới, giảm chôn lấp. Trên cơ sở đánh giá của các nhà khoa học lĩnh vực môi trường (MT), công nghệ đốt rác sinh hoạt là công nghệ tiên tiến, hiệu quả, đạt 3 tiêu chí: Thời gian xử lý nhanh nhất; khối lượng chất thải còn lại nhỏ nhất, ô nhiễm thứ cấp được kiểm soát và giảm thiểu tốt nhất; khả năng tái sử dụng chất thải hiệu quả cao. Từ kinh nghiệm các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… rác sinh hoạt được xử lý chủ yếu bằng công nghệ đốt có thu hồi nhiệt và phát điện mang lại hiệu quả kinh tế, MT cao cho xã hội và doanh nghiệp (DN).

Qua khảo sát, Công ty nhận thấy khác biệt cơ bản của rác Việt Nam với rác các nước công nghiệp phát triển: Rác chưa được phân loại, thành phần hỗn tạp, có thời gian phân hủy khác nhau. Phương thức thu gom hở, gián đoạn làm lẫn nhiều chất thải khác, chịu nhiều ảnh hưởng của nước mưa. Nhiệt trị rác thấp (900-1.100 kcal/kg), độ ẩm cao (50-55%). Những điểm khác biệt này (đặc biệt nhiệt trị thấp, độ ẩm cao) là yếu tố bất lợi đối với công nghệ đốt. Từ kết quả khảo nghiệm trên, Công ty tập trung nghiên cứu loại bỏ chất thải trơ, hữu cơ nhỏ đang phân hủy dở dang có độ ẩm lớn hơn 55% dành cho chôn lấp (tỷ lệ này chiếm 10-15% lượng rác đầu vào); giảm độ ẩm và nâng nhiệt trị của rác đến trạng thái tự cháy được (độ ẩm nhỏ hơn hoặc bằng 25%, nhiệt trị lớn hơn 1.700 kcal/kg).

Sau 2 năm vừa nghiên cứu lý thuyết vừa thực nghiệm công nghệ từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn và thực tế phương thức thu gom rác ở Hà Nội, Công ty hoàn thành công trình nghiên cứu "Công nghệ đốt rác có thu hồi nhiệt". Ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ, năm 2010, Công ty được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện đầu tư dây chuyền XLR công suất 300 tấn/ngày tại Nhà máy Xử lý chất thải Sơn Tây. Quá trình thiết kế thiết bị, xây dựng nhà xưởng được thực hiện trong gần 2 năm, dây chuyền này đã được vận hành chính thức XLR cho TP Hà Nội từ ngày 1-1-2012. Ứng dụng công nghệ này, rác chôn lấp chỉ còn nhỏ hơn hoặc bằng 22%.

Công nghệ thiết bị của dây chuyền này đã được Hội đồng khoa học Vifotec trung ương đánh giá xét tặng giải thưởng: Sáng tạo khoa học - công nghệ 2012, Cúp vàng Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau gần 3 năm vận hành thực tế, công nghệ này đã được Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam bình chọn là "Hàng Việt tốt, dịch vụ hoàn hảo năm 2014".
…đến làm chủ thiết kế - chế tạo thiết bị

Cùng với việc thiết kế, cải tạo thiết bị dây chuyền XLR giai đoạn I, Công ty nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ, thiết kế thiết bị giai đoạn II, báo cáo UBND thành phố cho phép đầu tư dây chuyền XLR mới có công suất 400 tấn/ngày đêm, quy mô 2ha (chưa bao gồm hạ tầng kỹ thuật phụ trợ) với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng. Dây chuyền được thiết kế có nhiều cải tiến mang tính đột phá. Công ty bố trí mặt bằng, các bước công nghệ XLR tối ưu giúp tiết kiệm diện tích, tiêu hao năng lượng ít, đồng thời khép kín quá trình xử lý, kiểm soát hoàn toàn ô nhiễm thứ cấp; thiết kế tăng 30% công suất lò đốt đồng thời cải tiến thiết bị cấp khí đốt tự động theo các quy chuẩn môi trường cao hơn; tăng nhiệt độ buồng sơ cấp, tăng tỷ lệ ôxy dư tại buồng thứ cấp (6-10%) giúp cho quá trình cháy triệt để, đạt nhiệt độ tối đa cho phép, nhờ đó năng suất đốt sẽ cao hơn; thay thế nguyên lý trao đổi nhiệt từ nguyên lý khí - nước sang nguyên lý khí - khí thông qua vật truyền nhiệt tĩnh với thiết kế sử dụng 100% vật liệu gốm có khả năng chịu nhiệt, ăn mòn cao. Nhờ sự cải tiến có bước đột phá này, thiết bị trao đổi nhiệt vừa giảm được nguyên liệu làm mát bằng nước, khắc phục tình trạng ăn mòn kim loại rất lớn so với nguyên lý trao đổi nhiệt khí - nước đang sử dụng phổ biến hiện nay của các lò đốt rác khác trong và ngoài nước. Đây còn là tiền đề cho việc nghiên cứu công nghệ đốt rác phát điện cho thiết bị đốt rác những năm sau.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Việc đưa vào vận hành Nhà máy XLR Sơn Tây với 2 dây chuyền XLR có tổng công suất 700 tấn/ngày sẽ góp phần tích cực thực hiện các chỉ tiêu bảo vệ MT theo Nghị quyết 18/2013/NQ-HĐND ngày 3-12-2013 của HĐND TP Hà Nội, đồng thời là điều kiện góp phần bảo đảm hoàn thành tiêu chí MT trong chương trình xây dựng nông thôn mới của TP Hà Nội".

Phát triển ngành công nghiệp môi trường

Với vai trò là DN khoa học - công nghệ đầu tiên của TP Hà Nội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ MT, Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long đã và đang tập trung cho công tác nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn và thiết kế chế tạo thiết bị XLR nhằm thực hiện 3 mục tiêu chiến lược: Nghiên cứu, phát triển các công nghệ thu gom XLR theo hướng giảm thiểu chất thải, xử lý nhanh ô nhiễm và tái sử dụng; ứng dụng công nghệ mới XLR cho TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, góp phần tích cực thực hiện Quyết định 798/QĐ-TTg ngày 25-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, phát triển ngành công nghiệp MT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô giai đoạn 2015-2019.

Công trình Nhà máy Xử lý rác Sơn Tây hoàn thành đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là công trình rất có ý nghĩa mà tập thể hơn 1.300 CBCNV Công ty đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ MT Thủ đô Hà Nội.

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Sông thị vải hồi sinh và những tín hiệu tích cực


Hơn sáu năm trước, sông Thị Vải (nằm ở hạ lưu thuộc lưu vực sông Đồng Nai) được ví như "dòng sông chết" do chất thải của các nhà máy chưa qua xử lý xả trực tiếp ra sông, không hề qua một hệ thống xử lý nước thải nào. Nhưng với sự vào cuộc nỗ lực của cả cộng đồng, "dòng sông chết" đang trong xanh trở lại, những nguồn thủy sản lại trở về theo từng con nước, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.
Bình yên trở lại
Đêm xuống. Những đốm sáng trải dài trôi theo con nước như biến sông Thị Vải thành dòng "sao băng". Bà Nguyễn Thị Ánh, huyện Long Thành (Đồng Nai) đã hơn 30 năm sống dựa vào dòng sông này bằng đánh bắt thủy sản bày tỏ: "Sau thời gian chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống do dòng sông Thị Vải ô nhiễm, nay tôi trở về đánh bắt cá. Hồi trước nước sông mầu đen và hôi lắm, giờ đã trong xanh trở lại, cá tôm cũng theo đó mà về".
Những chiếc thuyền sau nhiều năm nằm yên, nay đã được người dân sửa chữa lại. Ngày đêm, hàng trăm con người lại giăng lưới trên dòng sông trong xanh. Nguồn thủy sản sau khi Thị Vải hồi sinh còn ít, nhưng dần dần việc đánh bắt đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Đang chuẩn bị cho một chuyến đánh bắt thủy sản qua đêm, ông Trần Văn Tiện, xã Phước Thái, huyện Long Thành (Đồng Nai) chia sẻ: "Trước đây nước sông đen ngòm do nguồn thải chưa qua xử lý của các công ty xả ra, khiến cá, tôm bị chết, nguồn thủy sản dường như cạn kiệt, đánh bắt không được gì. Sau vụ Công ty Vedan xả trực tiếp chất thải vào sông năm 2008, các ban, ngành chức năng đã tăng cường kiểm soát, xử lý, nước sông đã được cải thiện, ngư dân đánh bắt tôm, cá cũng được nhiều". Còn chị Phạm Thị Kiều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thái, huyện Long Thành thì cho biết: "Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 300 hộ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản dựa vào con nước của dòng sông Thị Vải".
Không chỉ đánh bắt, hàng nghìn hộ nuôi trồng thủy sản ven sông Thị Vải thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh đã cải tạo lại những đầm tôm bỏ hoang, đầu tư số lượng lớn con giống, thức ăn để nuôi trồng. Người dân các tỉnh miền Tây cũng lên khu vực này để thuê đất làm đầm nuôi tôm. Năm trước, ông Nguyễn Quốc Khởi, ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau lên huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) thuê đất và đầu tư hơn 350 triệu đồng để cải tạo lại các đầm nuôi tôm. Sau vụ thu hoạch năm ngoái, ông Khởi thu lãi hơn 100 triệu đồng. "Trước đây nước sông ô nhiễm, người ta bỏ không làm cho nên các đầm tôm bị bể hết. Tôi lên thuê và gia cố lại các bờ để nuôi tôm. Nhìn chung việc làm ăn cũng thuận lợi, tôm nhanh lớn, do đó, một tháng chúng tôi cũng lãi từ 12 đến 14 triệu đồng", ông Khởi vừa cho tôm ăn vừa hồ hởi cho biết.
Sau vụ Vedan xả chất thải trực tiếp ra sông vào năm 2008, việc giám sát nguồn thải của các doanh nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Đồng Nai tăng cường, thực hiện thường xuyên. Kết quả quan trắc năm 2013 và sáu tháng đầu năm nay cho thấy, chất lượng nước sông Thị Vải đạt yêu cầu bảo tồn động, thực vật thủy sinh, tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn chưa đạt chuẩn so với quy định. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN và MT Đồng Nai cho hay: "Một số vị trí chúng tôi quan trắc vào mùa khô, do lượng nước trên thượng nguồn về ít cho nên độ mặn cao, một số chỉ tiêu như BOD, NO2 (-) vượt chuẩn nhưng tần suất không nhiều".
Để sông Thị Vải mãi xanh
Sông Thị Vải nằm ở hạ lưu, đồng thời dòng sông cũng phải "gánh" nhiều khu công nghiệp (KCN), cho nên các nguồn thải nguy hại, mọi con nước "trong" hay "đục" đều đổ dồn về đây.
KCN Biên Hòa 1, nằm dọc sông Đồng Nai, TP Biên Hòa (Đồng Nai) là KCN được thành lập sớm nhất ở Việt Nam với diện tích khoảng 330 ha, và được xem là tác nhân chính gây ô nhiễm môi trường cho sông Đồng Nai (đầu nguồn sông Thị Vải). Hiện mỗi ngày, 97 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả ra hơn 9.000 m 3 nước thải. Trong số này, chỉ có 1.100 m 3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, 7.900 m3 nước thải còn lại được các doanh nghiệp "tự xử lý" rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.
Hào Dương bị phạt 6 tỷ đồng vì xả nước thải gây ô nhiễm môi trường
Qua kết quả quan trắc của Sở TN và MT Đồng Nai (đoạn tiếp giáp với KCN Biên Hòa 1) cho thấy, chất lượng nước chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Cụ thể: chất lượng nước bị ô nhiễm do chất rắn lơ lửng, vi sinh, đặc trưng là hàm lượng DO, TSS, COD, Fe, E.Coli và Coliform vượt so với tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân dẫn đến nguồn ô nhiễm trên là do một số nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 hiện nay vẫn đang kế thừa cơ sở vật chất của các nhà máy cũ trước 1975 với các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến không có khả năng tài chính để đổi mới công nghệ. Đồng thời, hầu hết các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đều không có hệ thống xử lý nước thải riêng và cũng khó có thể thực hiện việc tách riêng hệ thống nước mưa và hệ thống nước thải trong nội bộ nhà máy để đấu nối vào hệ thống nước thải chung của KCN.Điều này dẫn đến một lượng lớn nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 được xả trực tiếp xuống sông Đồng Nai, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Để xóa sổ "điểm đen" này, tỉnh Đồng Nai đã thành lập kế hoạch và đang khẩn trương thực hiện chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - dịch vụ - thương mại hiện đại vào năm 2020 với kinh phí lên đến gần 15 nghìn tỷ đồng. Chủ trương này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và các công ty nằm trong KCN Biên Hòa 1 sẽ được chuyển đến KCN Giang Điền, huyện Trảng Bom và các KCN lân cận với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để bảo đảm môi trường.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cùng với việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1, thu hút các dự án thân thiện với môi trường, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm, hoàn thiện hệ thống NMXLNTTT... Tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nhiều trạm quan trắc tự động trên sông Đồng Nai và sông Thị Vải, lắp đặt trạm quan trắc tự động tại 18 KCN có hệ thống xử lý nước thải vận hành ổn định và 19 doanh nghiệp nằm ngoài KCN có lưu lượng nước thải lớn. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN và MT Đồng Nai cho biết: "Sắp tới, Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, lắp đặt thêm sáu trạm quan trắc tự động trên hệ thống sông Đồng Nai, sông Thị Vải để giám sát nguồn nước thải một cách chặt chẽ, khoa học hơn".
Dòng sông Thị Vải đang hồi sinh từng ngày, nhưng nỗi lo sông ô nhiễm trở lại vẫn cứ bám lấy tâm trí, cuộc sống của người dân. Bởi, với đặc thù nhiều KCN nằm ven sông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với hàng nghìn nhà máy đang hoạt động, nếu các cơ quan chức năng không tăng cường giám sát, xử lý nghiêm minh và triệt để những hành vi vi phạm môi trường, chuyện buồn về sông Thị Vải có thể lặp lại.

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra môi trường?

Nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng đã 10 năm nay, Công ty Nam Đức - chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh để cho hàng chục doanh nghiệp xả thải trực tiếp vào môi trường chứ không cho đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải chung của KCN. Theo phản ánh của các doanh nghiệp này thì Công ty Nam Đức làm vậy để ép họ phải chấp nhận mức phí hạ tầng bất hợp lý.


Hơn thế, họ còn lần lượt bị Công ty Nam Đức đưa ra tòa để “xử ép”. Xung đột giữa chủ đầu tư KCN Quang Minh và các doanh nghiệp chậm nộp phí hạ tầng “nóng” tới mức đơn thư gửi đi kêu cứu đã “rải đều” khắp các ban, ngành từ Trung ương (T.Ư) tới địa phương, có doanh nghiệp “uất ức” còn định cùng công nhân giăng biểu ngữ phản đối trước tòa nhà của chủ đầu tư.
Nơm nớp lo ô nhiễm
Dẫn nhóm phóng viên đi “thị sát” hệ thống xử lý nước thải của KCN, ông Nguyễn Thành Phúc, đại diện Công ty Galaxy Việt Nam cho biết, trong Quy hoạch tổng thể KCN Quang Minh có hạng mục hồ điều hòa nhưng Công ty Nam Đức đã “hô biến” chiếc hồ này. Hệ quả là, các doanh nghiệp thuê đất trong KCN cứ đến tháng 6, tháng 7 dương lịch là “nơm nớp” sợ ngập và phải hoạt động cầm chừng. “Mấy năm trước Công ty Thép Đinh Lê hay bản thân Công ty Galaxy chúng tôi từng bị ngập hỏng hết thiết bị, hàng hóa” - ông Phúc nói.
Ngoài nỗi “sợ mưa”, ông Phí Văn Hoan - Giám đốc Công ty Ngân Giang cho biết ông cũng như hàng chục doanh nghiệp khác gần 10 năm nay “sống trong căng thẳng” vì lúc nào cũng lo vi phạm pháp luật, cụ thể ở đây là pháp luật về môi trường.
“Chúng tôi biết việc xả nước thải công nghiệp ra môi trường xung quanh là vi phạm pháp luật nhưng ai cho chúng tôi được chấp hành pháp luật đây khi mà chủ đầu tư KCN - Công ty Nam Đức không cho chúng tôi đấu nối ống xả thải vào hệ thống cống ngầm của KCN” - ông Hoan và ông Phúc đều bức xúc phản ảnh.
Theo khảo sát của phóng viên Báo PLVN, trước đây có khoảng 40 doanh nghiệp vì không đồng ý với mức phí hạ tầng áp đặt của Công ty Nam Đức nên không chịu nộp phí hạ tầng và các doanh nghiệp này đều không được ký hợp đồng xả thải, tất cả đều xả thằng vào môi trường. Gần đây, Công ty Nam Đức đã kiện nhiều doanh nghiệp ra tòa và qua nhiều con đường khác nhau, một số doanh nghiệp đã “cắn răng” nộp phí để được xả thải, một số khác gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng “xin” được ký hợp đồng xả thải và trả phí xả thải trước trong lúc chờ đợi việc tranh chấp mức phí hạ tầng nhưng Công ty Nam Đức không chấp nhận.
“Nhiều doanh nghiệp bị Công ty Nam Đức gây khó khăn, bịt cổng, bịt cống thoát nước, thậm chí khi các doanh nghiệp lên xin các thủ tục hành chính tại nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng bị từ chối với lý do chưa nộp phí hạ tầng… nên đã phải chấp nhận ký hợp đồng và thanh toán tiền hạ tầng theo Quyết định 3937, một số doanh nghiệp như chúng tôi phản ứng quyết liệt thì bị đưa ra Tòa, sau đó Tòa tuyên một bản án thiếu thuyết phục và chúng tôi đã kháng án, kiện lại Công ty Nam Đức. Chúng tôi quyết không để “cái sai nọ chồng lên cái sai kia”, Văn bản 3937 cần phải được sửa đổi, Công ty Nam Đức không thể ép chúng tôi nộp tiền hạ tầng cho cả phần họ chưa đầu tư đồng bộ, càng không thể ép chúng tôi phải vi phạm pháp luật môi trường khi cố tình lấy hợp đồng xả thải ra để “đối trọng” với chúng tôi” - ông Tăng Bá Cường, Công ty PHT nhấn mạnh.
Không cho doanh nghiệp nợ phí hạ tầng đấu nối vào hệ thống xả thải chung, Công ty Nam Đức còn bị “cáo buộc” hệ thống thu gom nước thải bề mặt tại KCN Quang Minh “có vấn đề”. “KCN này bị ngập là do hệ thống thu gom nước thải bề mặt (nước mưa) không có lối thoát, rãnh nước vừa nhỏ, vừa cao không đúng với thiết kế chuẩn. Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã từng đề cập tới hệ thống thu gom nước thải này. Theo thiết kế, hệ thống này phải có một đường thoát nước ra sông Cà Lồ và một đường nữa là ra Đầm Vạc nhưng do phía Công ty Nam Đức không giải tỏa được mặt bằng nên không làm được đường thoát ra phía đầm và sông” - ông Phúc phân tích.
Không được ký hợp đồng xả thải với chủ đầu tư KCN, các doanh nghiệp nói trên phải “tự xả lấy”, xả loanh quanh khu vực ống lọc của doanh nghiệp mình. Rãnh nước thải đục ngầu, bốc mùi nồng nặc quanh các xưởng sản xuất của các doanh nghiệp nói trên cùng với hiện tượng nước bề mặt không thoát, dồn ứ làm ngập nhiều nơi trong KCN Quang Minh là “chuyện thường ngày” diễn ra cả 10 năm nay.

Đường nước thải của một doanh nghiệp đã bị bịt lại
do chậm nộp phí hạ tầng
10 năm theo kiện
Từng “khai hoang” KCN Quang Minh từ khi còn là vùng đất heo hút, tự tay xây từng chiếc cổng, đổ xi măng lát từng con đường, nhóm doanh nghiệp quyết liệt “chống mức phí áp đặt của Công ty Nam Đức” 10 năm qua đã không ngần ngại gõ từng cánh cửa với hy vọng có đơn vị đứng ra làm “trọng tài” phân xử công minh.
Ngồi nhẩm đếm với phóng viên, ông Cường, ông Phúc, ông Hoan và nhiều vị giám đốc khác cho biết không còn nơi nào họ không gửi đơn, từ Thủ tướng Chính phủ tới Chủ tịch nước, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Tài chính, Bộ TN&MT… và mới đây nhất là Ban Nội chính TƯ.
“Trong đơn thư, chúng tôi khẩn thiết đề nghị làm rõ những sai phạm của Công ty Nam Đức và những bất hợp lý của Quyết định 3937. Chúng tôi khẳng định nếu chúng tôi sai thì cơ quan quản lý cứ việc phạt theo đúng pháp luật, nhưng Công ty Nam Đức vi phạm tại sao không bị xử lý mà để họ ngang ngược gây sức ép với doanh nghiệp - chính là đối tác của họ, thậm chí còn dắt chúng tôi ra “đáo tụng đình” - ông Cường nói và buồn rầu cho biết, đơn đi mà hồi âm không lại, các cơ quan chức năng cứ im lặng để sự việc trôi đi, mặc doanh nghiệp và chủ đầu tư “chiến đấu” lẫn nhau.
“Ngay cả công an kinh tế nhận đơn của chúng tôi và đã tới từng doanh nghiệp lấy thông tin, ghi nhận tình hình nhưng sau đó họ cũng không hồi âm khiến doanh nghiệp hết sức thất vọng và hồ nghi” - ông Phúc tiếp lời.
Nỗi hồ nghi càng lớn hơn khi UBND thành phố Hà Nội rồi Ban Quản lý các KCN - chế xuất Hà Nội nhắc nhở, có văn bản yêu cầu Công ty Nam Đức đàm phán với doanh nghiệp chậm nộp phí hạ tầng để có thể giải quyết việc ký hợp đồng xả thải trước khi thực hiện nghĩa vụ nộp phí hạ tầng (đang có tranh chấp về mức phí) nhưng Công ty Nam Đức vẫn không chấp hành.
“Theo kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng như Sở TN&MT thì thiết kế hạ hầng của KCN Quang Minh đã bị Công ty Nam Đức thay đổi so với thiết kế được duyệt. Chính vì sai thiết kế, Công ty Nam Đức có cho các DN đấu nối vào cũng chỉ thải được nước mặt sinh hoạt, còn nước thải công nghiệp thì không thể. Nhà máy xử lý nước thải của Công ty Nam Đức hiện mới chỉ vận hành có một mô đun trong khi theo thiết kế phải là 3 mô đun mới đủ để tất cả các doanh nghiệp ở đây xả thải. Chúng tôi nghi vấn đây chính là nguyên nhân khiến Công ty Nam Đức bất chấp quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan chức năng, nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp, trì hoãn ký hợp đồng xả thải để ép chúng tôi phải nộp phí hạ tầng” -ông Cường nhận định.
Những mâu thuẫn đang ngày một căng thẳng trong KCN Quang Minh cho thấy hoạt động tổ chức xây dựng và quản lý KCN này rất thiếu minh bạch. Chính quyền địa phương đã không tổ chức đấu thầu công khai việc đầu tư xây dựng hạ tầng, không công bố quy hoạch hạ tầng, giá cả, chất lượng dịch vụ và khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư KCN đã không giải quyết dứt điểm, minh bạch. Các doanh nghiệp không được ký hợp đồng xả thải khẳng định: hành vi của Công ty Nam Đức đang gián tiếp gây thất thu cho Nhà nước và là nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường trong KCN Quang Minh mà hệ quả là người dân sống ven sông Cà Lồ, người dân sống cạnh KCN và chính những công nhân làm việc tại KCN này phải hứng chịu.
Liệu đây chỉ là “lỗi cơ chế” hay còn uẩn khúc nào khác?
Copyright © 2014 Xử lý nước thải và môi trường - tin tức hàng ngày